Bạn đã một lần tham gia thiện nguyện chưa? Thiện nguyện là hoạt động tự nguyện chia sẻ, giúp đỡ những cá nhân yếu thế xuất phát từ tấm lòng, tình yêu thương của con người. Bạn tặng một chiếc áo cho cậu bé đang phải chịu rét đánh giày ngoài đường, bạn đóng góp 1 cuốn sách cho một tổ chức để làm tủ sách cho các em học sinh, bạn tham gia tổ chức những trò chơi tại một trung tâm bảo trợ…Tất cả những điều đó là bạn đang làm từ thiện. 

Những lần đầu tiên tôi biết đến thiện nguyện là đi trao quà cho trẻ em nghèo ở các tỉnh vùng cao như Hà Giang… Khi đó gặp các em nhỏ miền núi, trong những manh áo đơn sơ, ngồi học dưới mái trường đổ nát nghèo nàn, quả thực thấy có cái gì đó quặn lại nơi lồng ngực. Lúc đó tôi mới đi làm với đồng lương ít ỏi nhưng chỉ muốn có thể mua gì thêm là mua hết cho các em.

Về rồi tôi vẫn còn bị ám ảnh rất nhiều bởi những đôi mắt bé thơ đen tròn, những đôi chân trần rét buốt, những gương mặt lấm lem bùn đất, những cơ thể run rẩy theo từng làn gió lạnh thổi vào. Phải đến khi đó, tôi mới nhận ra, mình thật là may mắn vì mình đang được sống một cuộc sống hạnh phúc hơn rất nhiều người. Hạnh phúc không phải vì mình giàu có hơn người, mà vì mình đủ đầy tình yêu thương đủ niềm vui của cuộc sống thường ngày. Khi mình đang trong chăn ấm nệm êm, thì có những mảnh đời vô gia cư còn đang khốn khổ tìm kiếm những chỗ trú mưa, dưới tán cây rậm rạp, hay dưới mái hiên của các cửa hàng đã tối đèn, hoặc trong từng con hẻm nhỏ. Khi mình đang ăn những bữa cơm có thịt thì nhiều em bé bên ngoài kia đang vật vã với cuộc sống mưu sinh chỉ mong một ngày được no.

Khác với những lần đầu tiên đó, vào một ngày tôi được chị Hằng – giám đốc HCNS Tập đoàn thông báo tham gia một hành trình thiện nguyện hoàn toàn mới, với sứ mệnh khảo sát thực tế các gia đình có học sinh nghèo vượt khó ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Với sự hỗ trợ và giới thiệu của Hội chữ Thập đỏ địa phương cùng các cô chú thương bệnh binh đã về hưu làm công tác thiện nguyện, chúng tôi được đưa đến thăm từng nhà và gặp mặt từng em nhỏ để hiểu kỹ hơn về mỗi hoàn cảnh đang cần trợ giúp.

1.jpg

Xe đưa chúng tôi đi từ sáng sớm. Điểm đến đầu tiên, chúng tôi có mặt tại một căn nhà nhỏ chừng hơn chục m2, nằm xiêu vẹo trong một con hẻm sâu, giữa một khu vực danh tiếng và phát triển bậc nhất tại Hà Nội là khu Mỹ Đình. Căn nhà bé thế mà có tới 6 người ở, trong nhà không có tài sản gì giá trị ngoài góc học tập của 4 đứa nhỏ với thùng sách vở dày cộp của các em. Bốn em nhỏ sống cùng hai ông bà đã già cả ngoài tuổi 80 và chẳng còn khỏe mạnh. Người ông của các bé đang mang bệnh hiểm nghèo – ung thư, người bà thì bị mù cả 2 mắt, đôi chân bại liệt không còn khả năng đi lại. Tôi tự nhủ thầm không hiểu 4 đứa trẻ sống thế nào? Chúng học hành thế nào? Bố mẹ chúng đâu mà ra nỗi này. Ông cụ hơn 80 tuổi chậm rãi chia sẻ với chúng tôi: “Mẹ chúng đã đi biệt xứ rất nhiều năm rồi, bỏ lại 4 đứa cháu với ông bà. Bố nó thì ra tù vào tội tới nay cũng không thấy tung tích nữa. Điểm tựa lớn nhất của các cháu chính là ông bà, và ngược lại ở cái tuổi gần đất xa trời này thì ông bà cũng chỉ có niềm vui lớn nhất còn lại là những đứa cháu chăm ngoan, học giỏi này”. Sau một hồi nói chuyện cùng ông, chúng tôi đã phần nào nắm được gia cảnh và những khó khăn của gia đình.

2.jpg

Tiếp tục lên xe di chuyển tới địa điểm thứ 2. Lần này, không còn hình ảnh căn nhà đơn sơ thể hiện sự nghèo khó, mà trước mặt chúng tôi hiện nên một ngôi nhà khá khang trang, trông có vẻ như nhà có điều kiện. Chúng tôi băn khoăn không hiểu sao Hội chữ thập đỏ lại tư vấn cho hoàn cảnh này. Rồi cả đoàn bấm bụng bảo nhau “Thôi! Cứ vào đã xem sao!”.

3.jpg

Chào đón chúng tôi là 2 ông bà tóc đã bạc phơ, tuổi gần 80. Người ông trông còn minh mẫn nhưng lại bị khiếm thính nên không nghe được những lời chúng tôi nói. Ông vốn là người chiến sỹ trong chiến trường cách mạng năm xưa, vì sức ép của bom mìn nên đôi tai bị hỏng. Người bà già yếu thì đôi chân cũng đã mỏi mệt vì suy tĩnh mạch chân. Mọi việc trong nhà dồn vào cô bé Phương Anh, học lớp 7, ngoại hình khá tốt, khuôn mặt xinh xắn nhưng có đôi mắt đượm buồn – tôi cứ ám ảnh mãi với đôi mắt ấy. Mẹ em mất sớm từ khi mới bắt đầu vào lớp 1, bố thì sa ngã con đường tù tội, gia đình bên nội không nhận, nên em phải ở cùng ông bà ngoại đến tận bây giờ. Hiểu được hoàn cảnh và như để đáp lại công ơn ông bà ngoại, Phương Anh luôn cố gắng học hành, từ lớp 1 đến lớp 7, năm nào cũng đạt học sinh giỏi và xuất sắc. Em còn được bầu làm chi đội phó ở trường. Toàn bộ đồng lương ít ỏi của người ông là thương binh cùng với đồng tiền kiếm được từ những gánh rau nhỏ của bà đi bán hàng ngày tập trung phục vụ cho việc học hành và sinh hoạt của em và ông bà. Ngoài ra, không còn nguồn thu nào khác.

4.jpg

Xe chúng tôi lại tiếp tục đi đến một vài địa điểm khác, mỗi nơi khảo sát để lại cho chúng tôi những cảm xúc đan xen nhiều suy ngẫm khác nhau. Gặp những cô bé cậu bé trong những ngôi nhà không giống nhau, nhưng đều có một điểm chung: nghèo mà vượt khó học giỏi, khiến tôi thấy cảm phục. Tôi tự nhủ với bản thân, mỗi sớm mai thức dậy, hãy nở một nụ cười thật tươi để cảm ơn cuộc đời đã cho ta sự may mắn vì được đủ đầy để ngắm nhìn và tận hưởng thế giới đầy tươi đẹp. Và không quên dặn mình phải luôn sống tử tế, thiện tâm, biết giúp đời giúp người, biết thực hành nhân ái, bởi trao yêu thương sẽ nhận lại rất nhiều yêu thương.

Tôi cũng thầm cảm ơn Quỹ Trăng Xanh, bởi những giá trị nhân văn cao đẹp, đã nâng bước cho rất nhiều học sinh nghèo vượt khó trên nhiều vùng miền của đất nước. Mỗi hành trình của nhà trăng không chỉ ý nghĩa với những người đang hoạn nạn, cần được trợ giúp mà còn gieo mầm yêu thương, lan tỏa đến khắp cộng đồng người Bách Việt. “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”. Khi có tấm lòng vàng, chúng ta sẽ luôn là người hạnh phúc.

Hà Nội, 00:30 ngày 21/05/2020

Bài viết trước đó TIẾP NỐI ĐƯỜNG TRĂNG!
Bài viết sau đó CHO ĐI LÀ CÒN MÃI